Món quà cho cô tiến sĩ đau khổ - Phan Hồng Vân sưu tầm -

Món quà cho cô tiến sĩ đau khổ
 
image

Những ngày cuối năm 2013, câu chuyện chị Hoàng Thị Kim Dung sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết cách đây gần bốn năm tên Hồ Sỹ Ngọc khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm phục.
Anh Ngọc và chị Kim Dung cùng tuổi, cùng quê quán ở Nghệ An. Họ yêu nhau từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Ngọc là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của lớp Kỹ sư Tài năng Toán Ứng dụng, còn chị Dung học lớp Khoa học Chất lượng cao cũng thuộc Đại học Bách khoa.
Cổ tích tình yêu
Năm 2004, khi cả hai người vừa tốt nghiệp đại học thì chị Dung được học bổng du học tại Pháp để học thạc sĩ (M.A) và làm luận án tiến sĩ (Ph.D). Ngọc ở lại Việt Nam với lời hứa sẽ đợi người yêu về làm đám cưới.
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Lê Hùng Sơn (nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học liên ngành Toán – Tin học thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) nói: “Ngọc là một sinh viên xuất sắc. Năm 2005, tôi xin được cho Ngọc một học bổng du học tại Áo để làm luận án tiến sĩ nhưng không hiểu sao Ngọc lại không đi, nhường cho một người bạn rồi ra làm cho một công ty”.
Hoàn cảnh khó khăn nên chị Dung vừa học ở Pháp vừa làm thêm nhiều việc như hái nho, lau dọn nhà cửa, rửa bát chén tại các khách sạn để kiếm thêm thu nhập và gửi về giúp gia đình. Thời gian suốt 5 năm, từ 2004 đến 2009, Dung chỉ về thăm nhà được hai lần. Còn Ngọc, ở trong nước các bạn trai bạn gái đã lần lượt lập gia đình, có con cái, riêng Ngọc vẫn một lòng chờ đợi người yêu.
Đầu tháng 1-2009, sau 5 năm học tập, Dung về thăm gia đình, đồng thời làm đám cưới với Ngọc. Sống với chồng được hơn một tháng, chị lại phải qua Pháp để trình luận án tiến sĩ. Tháng 6-2009, sau khi đậu Tiến sĩ Khoa học và đang mang thai, chị Dung về nước sống với chồng và sinh con. Khi con gái được 6 tháng tuổi, anh Ngọc mất vì tai nạn.
Chờ đợi nhau hơn 5 năm trời nhưng tính ra, sau đám cưới họ chỉ sống với nhau được chưa đầy 1 năm thì anh Ngọc từ giã cõi đời, chị Dung cực kỳ đau đớn.
Bà Thuận kể chuyện:
Bà Nguyễn Thị Thuận (mẹ của anh Ngọc) kể chuyện về con trai bà và bật khóc: giữa tháng 3 năm 2010, bà từ thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An ra Hà Nội thăm con. Trưa 20-3-2010, bà nấu cơm xong, chờ con trai đi làm về ăn. Nhưng khi Ngọc về đến nhà thì thấy ổ khóa ở cánh cửa ban công bị hỏng, anh tất tả đi mua ổ khóa khác mặc dầu mẹ và vợ khuyên ăn cơm xong hãy đi. Anh ra khỏi nhà, cả tiếng đồng hồ không thấy về, ai cũng sốt ruột chờ anh về ăn cơm. Một lúc sau bỗng có điện thoại của công an báo tin anh bị xe lửa cán và đã tử nạn. Sau này, nhiều người kể lại là khi anh Ngọc băng ngang qua đường sắt để đi tiếp sang phía bên kia, không hiểu đầu óc anh đang mắc suy nghĩ điều gì mà đoàn tàu đã đến gần, nhiều người la hét, gọi ơi ới nhưng anh vẫn không nghe tiếng, nên bị đoàn tàu cán chết. Điều này khiến chúng ta nhớ tới chuyện nhà bác học Pierre Curie, giải Nobel Vật lý năm 1903 chung với vợ là nhà hoá học Marie Curie. Ba năm sau, 1906, đi bộ từ nhà xuất bản về nhà, trong lúc băng ngang qua đường tại Paris, đầu óc ông mắc suy nghĩ nên “quên” và bị một chiếc xe ngựa đụng chết tại chỗ. Lúc ấy ông mới 47 tuổi. Chúng ta cũng nhớ chuyện nhà sinh lý học Nga Pavlov, người được giải Nobel Y học năm 1904 và có những thí nghiệm nổi tiếng về phản xạ có điều kiện cũng như phản xạ không có điều kiện ở cơ thể con người. Mỗi buổi sáng, ông có thói quen vừa đi bộ từ nhà tới trường vừa ăn bánh mì. Một hôm, ông để trong túi áo blouse bên này một con ếch, túi áo bên kia một ổ bánh mì. Ông vừa đi vừa ăn. Lúc tới trường, ông móc túi lấy con ếch ra để làm thí nghiệm thì thấy… còn lại ổ bánh mì! – Như vậy, chuyện anh Ngọc – một người học rất giỏi – vừa đi vừa suy nghĩ, “quên” mất xe lửa đang đến cũng là chuyện thường!
Chị Dung đau buồn lo việc ma chay cho chồng trong khi đứa con gái đầu lòng của anh chị (cháu Hồ Hoàng Hải Bình) mới chưa được đầy 6 tháng tuổi. Các bạn học cũ, bạn đồng nghiệp của anh Ngọc và bà con họ hàng, người thân quen, thương tình bảo nhau đóng góp được một số tiền để giúp chị Dung nuôi con, bởi vì từ ngày về nước đến giờ, chị Dung phần mắc cưới hỏi, phần bầu bì, sau đó lại sinh nở và nuôi con nhỏ trong khi cả hai gia đình bố mẹ chồng và bố mẹ ruột đều ở Nghệ An nên chưa đi làm.
Về phần bà Thuận, sau khi lo đám tang cho con trai xong, vì thương con dâu còn quá trẻ (lúc ấy chị Dung mới 29 tuổi) mà đã goá chồng nên bảo chị Dung sang Pháp giảng dạy, từ từ rồi xem có ai thương yêu thì lấy, làm lại cuộc đời, cứ để con ở nhà bà trông nom cho. Nhưng chị Dung khóc và nói: “ Nếu mẹ bảo con sang Pháp kiếm việc làm để có tiền gửi về nuôi con thì còn được chứ mẹ đừng khuyên con lấy chồng khác. Con không bao giờ quên được anh Ngọc đâu, chúng con yêu nhau từ khi còn đi học kia mà”. Bà Thuận hiểu tình yêu của chị Dung rất sâu sắc nên không bao giờ bà nhắc tới chuyện đó nữa.
Muốn giữ lại kỷ niệm của chồng
Quá đau buồn trước tình yêu và cuộc hôn nhân đứt đoạn giữa chừng, chị Dung càng nghĩ càng xót xa cho sự hi sinh, chờ đợi mình suốt hơn 5 năm của anh Ngọc. Đau khổ trước sự ra đi của chồng, từ nhà xác bệnh viện huyện Thanh Trì, chị nẩy sinh ý định lưu giừ một điều gì đó của chồng trên trần gian, làm một điều gì đó để bù đắp những thiệt thòi và mong mỏi của chồng ngõ hầu giữ được hình ảnh của anh mãi mãi.
Chị gọi điện thoại sang Pháp tham khảo ý kiến của bạn bè và các bậc thầy, nghe họ khuyên nhủ rồi quyết định hỏi tổng đài 1080 xin số của Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đề nghị họ… mổ tử thi của chồng, lấy tinh trùng gửi vào ngân hàng trữ lạnh lưu giữ với hy vọng sau này bệnh viện sẽ làm thụ tinh nhân tạo cho mình.
Tiến sĩ bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, giám đốc bệnh viện – một chuyên gia Nam học và Hiếm muộn hàng đầu tại Việt Nam hiện nay – trực tiếp thực hịên ca mổ. Và rồi từ những gì lưu giữ được của người chồng chẳng may vắn số, 3 năm sau, mãn tang, chị Dung quyết định xin bệnh viện Chuyên khoa Nam học Hà Nội làm thụ tinh nhân tạo. Kết quả là hai bé trai sinh đôi con chị ra đời.
Bác sĩ Vệ kể, khi ông và hai nhân viên đến bệnh viện Thanh Trì, anh Ngọc đã chết được 6 tiếng đồng hồ, ông vô cùng lo lắng. Ông rạch lấy phần “mào tinh hoàn” thuôc tinh hoàn bên phải của tử thi anh Ngọc, cắt lấy 14 mẫu (mỗi mẫu danh từ khoa học gọi là một “nunce”), trong đó có các tinh trùng. Ông đem về cất giữ, bảo quản ở nhiệt độ -196o C trong nitrogen hoá lỏng tại Ngân hàng mô và tinh trùng của bệnh viện Nam học và Hiếm muộn do ông làm giám đốc.
Chúng ta đã biết, cơ quan sinh dục quan trọng nhất của nam giới là hai tinh hoàn, tức hai “nhà máy” sản xuất ra tinh trùng. Mỗi ngày, hai tinh hoàn của một người đàn ông khoẻ mạnh có khả năng sản xuất khoảng 120 triệu tinh trùng. Ở trên đầu và chạy dọc theo bên cạnh của mỗi tinh hoàn có một bộ phận hình cái túi hơi giống với hình dáng cái mào của con gà, gọi là “mào tinh hoàn” (epididymis). Suốt ngày đêm, tinh hoàn tạo ra tinh trùng thì chứa tạm vào hai cái túi đó rồi đưa xuống ống dẫn tinh. Ở ống dẫn tinh, tinh trùng sẽ kết hợp với một chất lỏng hơi nhờn màu trắng đục do tiền liệt tuyến (prostate) tiết ra, tạo thành tinh dịch. Khi cần thiết, tinh dịch sẽ được phóng vào tử cung của người nữ. Một tinh trùing trong con số khoảng 200 triệu tinh trùng/ lần giao hợp sẽ phối hợp với một trứng của người nữ thành một trứng đã thụ tinh (thường gọi là phôi) rồi biến chuyển dần thành bào thai tức một đứa trẻ. Trong việc thụ tinh nhân tạo, các bác sĩ thường cẩn thận đưa 2 hay 3 phôi tức 2 hay 3 trứng đã thụ tinh vào tử cung của người đàn bà để hỏng phôi nọ thì còn phôi kia nên họ thường sinh ra 2 hay 3 đứa trẻ.
Bác sĩ Vệ cắt lấy 14 mẫu tinh hoàn của tử thi anh Ngọc tức 14 mẫu bên trong có chứa các tinh trùng của “cái túi” mào tinh hoàn, đem mau về bảo quản cả 14 mẫu tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn (ông cẩn thận biết là chừng nào!).
Ông cũng cho biết, trong suốt 3 năm gửi bảo quản tinh trùng, chị Dung thường xuyên ghé thăm và cùng các chuyên viên trong bệnh viện Hiếm muộn kiểm tra chất lượng các mẫu đã cắt, thấy vẫn còn tốt.
Sau khi mãn tang, chị Dung quyết định đề nghị bác sĩ Vệ lấy tinh trùng đã bảo quản của anh Ngọc để thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm cho mình.
Bác sĩ Vệ nói, thật may mắn, tinh trùng lấy từ tử thi một người đã chết 6 tiếng đồng hồ, được bảo quản suốt 3 năm trời dưới nhiệt độ -196oC nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, do đó sự hình thành và phát triển của phôi trong ống nghiệm rất dễ dàng như đối với tinh trùng của người sống vậy thôi.
Thay vì chỉ đưa 1 phôi vào tử cung của chị Dung, ông thận trọng đưa 2 phôi, sau đó chị mang bầu và hơn 9 tháng sau – hôm 9-12-2013 vừa qua – chị sinh đôi hai cháu trai rất kháu khỉnh (gọi là sinh đôi khác trứng), một cháu có nước da trắng giống bố, nặng 2.9 kg, một cháu có nước da hơi ngăm ngăm giống mẹ, nặng 2.6 kg, chị đặt tên hai cháu là Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải.
Theo bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, đây là trường hợp hết sức đặc biệt, lần đầu tiên có tại Việt Nam và chưa từng gặp tại nhiều quốc gia khác. Ông nói: “Bình thường tinh trùng có thể sống được 20-30 giờ. Tuy nhiên, trong một cơ thể đã chết tới 6 tiếng đồng hồ, tôi lo tinh trùng có thể đã bị phân hủy hoặc bị biến đổi khác với tinh trùng bình thường của người sống. Chúng tôi thực hiện theo cơ sở khoa học nhưng lấy tinh trùng từ một tử thi, bảo quản 3 năm rồi thụ tinh trong ống nghiệm thì quả thật điều đó chưa từng xảy ra”.
“Hai đứa con của bệnh viện”
Đó là cách gọi của bác sĩ Lê Vương Văn Vệ giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội về hai đứa con sinh đôi của chị Dung. Bác sĩ Vệ kể: “Khi nhận được đề nghị lấy tinh trùng từ tử thi của người chồng, bảo quản rồi sau này sẽ sinh con của chị Dung, tôi thầm nghĩ đây là một trường hợp quá kỳ lạ tôi chưa từng gặp, nhất là người đề nghị lại còn khá trẻ có lẽ chưa tới 30. Thời gian gấp gáp vì người chồng đã mất, tôi chuẩn bị các dụng cụ rồi cùng hai nhân viên đi ngay. Sau này, tôi tìm lại cuốn sổ ghi chép thì thấy hôm đó là ngày 20-3-2010. Nơi tôi đến là Nhà xác của Bệnh viện huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khi đó tôi chưa biết chị Dung là ai, không hiểu hoàn cảnh kinh tế của chị, chỉ thấy chị còn trẻ mà cũng không biết chị có bằng tiến sĩ khoa học tại Pháp.
“Khi lấy được mô chứa tinh trùng trong mào tinh hoàn của tử thi anh Ngọc, đem về kiểm tra thấy tinh trùng còn tốt, có thể bảo quản và làm thụ tinh trong ống nghiệm được, tôi rất mừng. Sự thật, lúc ấy bệnh viện chúng tôi chưa từng làm kỹ thuật lấy tinh trùng từ cơ thể người chết bao giờ cả và tôi tâm niệm âu đây cũng là một kinh nghiệm, sau này chúng tôi sẽ làm.
“Trường hợp anh Ngọc quả là hiếm có. Bình thường phải lấy tinh trùng ngay sau khi người đó qua đời, nhưng trường hợp này 6 giờ đã trôi qua mà tinh trùng trong mô túi tinh hoàn vẫn còn tốt, điều đó chứng tỏ anh Ngọc là một thanh niên rất khỏe mạnh, không bị bệnh tật gì. Tôi cũng không ngờ một phụ nữ trẻ, tây học, có kiến thức như chị Dung lại giữ nét truyền thống trong tình cảm vợ chồng theo lối Á Đông như thế.
“Ba năm sau, tháng 3-2013, sau khi mãn tang chồng, chị Dung đến bệnh viện chúng tôi đề nghị được thụ tinh trong ống nghiệm để mang thai. Khi kiểm tra tinh trùng thấy còn tốt, chúng tôi đã tiến hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Trong vòng 10 ngày, trứng thụ tinh và trở thành phôi. Chỉ có điều dự định chuyển phôi lần đầu tiên không thành do dạ con của chị Dung bị kích động. Chúng tôi lại phải đưa các phôi vào trữ đông rồi một thời gian sau mới tiến hành chuyển phôi lần thứ hai. Lần này, việc chuyển phôi hết sức thuận lợi, chị ấy có thai và sinh hai cháu trai. Chúng tôi nói đùa rằng nếu hai cháu sau này làm bác sĩ, các cháu sẽ là đồng nghiệp và chúng tôi sẽ kể lại với hai cháu rằng hai “đồng nghiệp” đã từng hai lần chui vào tủ đá với nhiệt độ -196 oC. Ở nhiệt độ đó, đá cứng hơn cả sắt.
“Hôm 9-12-2013 vừa qua, khi chị Dung thông báo đã chuyển dạ và sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, chúng tôi quyết định sẽ đề nghị chị ấy tiến hành thử DNA. Đây là lần đầu tiên ở VN có hai cháu bé sinh ra từ tinh trùng lấy từ tử thi một người đã chết. Tuy như vậy là đã thành công về mặt kỹ thuật nhưng tôi nghĩ, chúng tôi là những người làm khoa học, phải thật cẩn trọng trong công việc khoa học. Chúng tôi muốn chỉ công bố tin tức sau khi đã thử DNA. Chị Dung cũng đồng ý với chúng tôi như vậy.
“Ngay sau đó, cơ quan xét nghiệm DNA Hà Nội đã lấy mẫu mô tinh hoàn hiện còn bảo quản của anh Ngọc ở bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, đồng thời lấy mẫu tế bào niêm mạc miệng của chị Dung và hai cháu bé để xét nghiệm. Ngày 19-12-2013, kết quả xét nghiệm DNA cho thấy đúng anh Hồ Sỹ Ngọc là cha và chị Hoàng Thị Kim Dung là mẹ của hai cháu bé.
“Chị Dung nói: “Xét nghiệm là để ông bà nội mừng vậy thôi chứ cháu thì rất tự tin về hai đứa con của mình”.
Một đoạn kết đẹp
Rất nhiều người đã hỏi chị Dung tại sao chị lại có quyết định kỳ lạ, sinh con với người chồng đã khuất trong khi chị còn trẻ, có học, không phải là không có cơ hội làm lại cuộc đời. Chị nói: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Tất cả những điều tôi nghĩ là làm sao nuôi dạy các con nên người. Hai cháu trai nếu cũng được như chị của các cháu (năm nay 4 tuổi rưỡi, bố mất khi cháu mới 6 tháng tuổi) thì rất dễ nuôi. Tôi mong tính nết các cháu cũng giống như bố cháu, vui vẻ và rất nhiệt tình”.
Đã gần bốn năm trôi qua kể từ ngày 20-3-2010 – ngày mất của anh Ngọc – nhưng có lẽ cái ngày ấy sẽ đi suốt cuộc đời chị Dung như một định mệnh. Hôm đó, khi hai vợ chồng ở bên nhau, anh nói với chị về dự định sau này dù thế nào chăng nữa cũng sẽ sinh thêm một cậu con trai cho ông bà nội mừng. Gần trưa, Ngọc đi mua ống khóa mới để thay khóa cửa ban công. Trước khi đi, anh cứ đứng chăm chăm nhìn chị. Khi chị thắc mắc là sao không ở nhà ăn cơm rồi hãy đi thì anh im lặng. “Hình như linh tính báo cho anh ấy biết chuyện sắp chia tay nên anh ấy muốn nói với tôi điều gì mà không không nghĩ ra. Giây phút đó khiến tôi cứ ray rứt mãi cho đến bây giờ” – chị Dung kể lại.
Va cũng từ ý nguyện muốn có một đứa con trai cho bố mẹ mừng của anh Ngọc, bởi vì bố mẹ anh (ông Hồ Bính và bà Nguyễn Thị Thuận) chỉ có một mình anh là con trai còn trước anh là một người chị. Sau khi anh Ngọc mất, chị Dung đã nghĩ tới chuyện nhờ bác sĩ cất giữ tinh trùng của chồng để sau đó sinh con. Chị kể, hồi còn ở bên Pháp, chị có đọc một cuốn truyện nói rằng khi người chồng qua đời, người ta đã vùi tinh hoàn trong một chiếc thùng đựng tuyết, đem về Paris và sau này người vợ cũng sinh được con. Câu chuyện ấy tưởng chỉ có trong tiểu thuyết, không ngờ trở thành chuyện thật trong đời chị Dung.
“Bố mẹ biết ơn con”
Con trai đã qua đời bốn năm nhưng ông Hồ Bính ở thành phố Vinh, Nghệ An, vẫn còn nhớ như in ngày cậu con trai giỏi giang đậu vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1999. Hồ Sỹ Ngọc luôn là niềm tự hào của cha mẹ, họ hàng. Tới năm thứ 3 đại học, Ngọc gặp Hoàng Thị Kim Dung, cô sinh viên có nước da ngăm ngăm đen, cùng tuổi, cùng quê, cùng học một trường và cùng học rất giỏi.
Bế hai con trai nhỏ mới sinh, chị Dung hồi tưởng lại những năm yêu nhau, tuy làm đám cưới nhưng thật ra chỉ có chưa đầy 1 năm là vợ chồng chung sống với nhau. Bởi vì sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Dung được học bổng đi Pháp du học, Ngọc cũng được học bổng của Áo nhưng ở lại, anh nói khi nào Dung công thành danh toại thì đến lượt mình du học. Năm năm sau, 2009, Dung về nước, làm đám cưới, sống với chồng 1 tháng rồi trở lại Pháp trình luận án tiến sĩ trườc Hội đồng khoa học. Đậu xong tiến sĩ, Dung trở về nước sống với chồng và sinh con. Khi con gái đầu lòng chưa đầy 6 tháng tuổi thì Ngọc mất, lúc ấy cả anh Ngọc lẫn chị Dung đều 29 tuổi.
“Em ngẫm lại, thấy những cặp khác, nếu sống xa nhau thì chỉ một thời gian là tan vỡ. Nhưng chúng em thì một người ở Pháp, một người ở Hà Nội nhưng anh Ngọc luôn gọi điện thoại hay gừi email khuyến khích em, nên chúng em thấy rất gần gũi như ở bên nhau. Anh Ngọc định đợi em học xong rồi mới tính đến lượt mình. Nào ngờ anh ấy mất sớm quá. Lúc còn sống, anh nói với em là sau này mình sẽ sinh thêm một cậu con trai. Bây giờ đạt thành ước nguyện của anh ấy, em rất mừng…”.
Theo ông Hồ Bính – ông nội của các cháu – tất cả quyết định đều do con dâu ông nghĩ ra. “Vợ chồng tôi mất đứa con trai là sự mất mát rất lớn. Nhưng nhờ con dâu, nay có hai đứa cháu trai, gia đình chúng tôi cũng được an ủi phần nào. Khi con dâu tôi quyết định lưu lại tinh trùng của chồng, gia đình không ai biết. Sau khi mãn tang, Dung nói với hai bên nội ngoại chuyện đã lưu giữ tinh trùng của chồng và sẽ làm thụ tinh nhân tạo, họ hàng cũng có người phản đối rằng sinh con từ tinh trùng của người đã chết là không tốt. Nhưng con dâu tôi rất cương quyết. Chúng tôi có nói với cháu là việc con làm thì bố mẹ không phản đối mà cũng không khuyến khích. Từ khi con dâu tôi mang thai đến nay, gia đình hai bên nội ngoại hết sức chăm sóc cho cháu. Nay, con dâu tôi đã sinh được hai cháu trai, chúng tôi nói với cháu rằng bố mẹ rất biết ơn con…”.
Ngồi bên cạnh nghe chuyện của bố, chị anh Ngọc luôn miệng xuýt xoa, xúc động về người em dâu. Theo chị, cả gia đình đều làm nghề dạy học nên rất coi trọng việc chữ nghĩa. “Em tôi mong khi vợ học hành xong xuôi thì lúc đó mới đến lượt mình. Tôi tính chi li thì hai em chỉ sống với nhau được chưa đầy một năm. Nay em dâu sinh con, cô ấy đã quên đi tuổi trẻ, quên đi bản thân để thực hiện ước nguyện của chồng, điều đó làm cho chúng tôi hết sức xúc động”.
“Bước tiến về mặt kỹ thuật”
Đó là ý kiến của bác sĩ Vũ Bá Quyết, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người trực tiếp thực hiện ca mổ sinh hai con Hồ Sỹ Hoàng Đức, Hồ Sỹ Hoàng Hải của chị Dung. Theo bác sĩ Quyết, việc thành công trong trường hợp này đã mở ra cơ hội cho nhiều trường hợp hiếm muộn hoặc có nhu cầu sinh con khác. BS Vũ Bá Quyết nói, “Trường hợp này đã mở ra những kinh nghiệm về thời gian tinh trùng sống sau khi người chủ đã qua đời, cũng như về việc trữ đông mô và bảo quản tinh trùng trong trữ đông, về thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng lấy từ tử thi”.
Đoàn Dự ghi chép